Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).
Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô (354-430) đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”. Sau đó, Thánh Odilo (962-1048), Viện phụ Đan viện Cluny (đan viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany) đã có sáng kiến tổ chức lễ Cầu hồn vào ngày 2-11 và trước hết cử hành trong Đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói 1030). Về sau lễ Cầu hồn đã được truyền sang nước Pháp; và tới giữa thế kỷ X, Đức Giáo hoàng Gioan XIV đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV cho phép mọi linh mục được dâng 3 thánh lễ trong ngày này:
* Một cho các linh hồn mồ côi
* Một theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng
* Một theo ý chỉ của chính linh mục
Nếu trùng vào ngày Chúa Nhật, ngày lễ sẽ được dời lại đến ngày 3-11.
Các đẳng linh hồn là những người đã qua đời trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng hiện nay còn bị giam giữ tạm thời trong luyện ngục vì những tội nhẹ và vì chưa đền hết hình phạt của những tội đã được tha. Họ phải chịu sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng. Họ chính là đối tượng để các tín hữu cầu nguyện cho, đặc biệt là đối tượng của các thánh lễ cầu cho họ (x. GLHTCG số 1030).
Giáo Hội gọi luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Giáo Hội đã trình bày Giáo lý của đức tin về luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia và Trentô.
Dựa vào Thánh Kinh (1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện: “Đối với một số lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước trước ngày phán xét, theo như những gì Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn đời sau” (x. Mt 12,32). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau” (Thánh Grêgôriô Cả, Dial. 4,39) (GLHTCG số 1031).
Lâu nay, chúng ta thường quan niệm lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời là lễ của người chết và chỉ dành cho người chết mà thôi. Thế nhưng, đó không chỉ là lễ của người chết, chỉ tưởng nhớ những người đã qua đời, mà còn là lễ của người sống, những người đang bước vào ánh sáng của Chúa. Vì khi chúng ta dâng những việc lành phúc đức cầu nguyện cho những người đã khuất cũng là dịp để mỗi người chúng ta.
* Tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời: Nếu không tin vào sự sống mai sau thì chẳng ai cầu nguyện cho các linh hồn làm gì và cũng chẳng có lễ cầu hồn. Nếu không tin thì hoá ra mọi lời cầu nguyện và nghĩa cử ta làm cho người chết đều trở nên vô nghĩa.
* Tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm các thánh thông công: Thuật ngữ “các thánh thông công” có 2 nghĩa: “hiệp thông trong các thực tại thánh (santa)” và “hiệp thông giữa những người thánh (santi)”. Đức Kitô đã nối kết chúng ta bằng mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Qua đó, chúng ta được trở thành những chi thể trong cùng một duy nhất, mà Chúa Kitô là Đầu. “Tất cả chúng ta là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28b). Thập giá và sự Phục sinh của Chúa Kitô đã nối kết người còn sống và người đã chết một cách nhiệm mầu. Giáo Hội lữ hành nơi trần thế và Giáo Hội đang thanh luyện nơi luyện ngục, cũng như Giáo Hội vinh thắng trên thiên quốc có thể chuyển thông các công phúc cho nhau.
* Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót:
Có thể nói luyện ngục là nơi mà lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện rõ nét nhất. Thiên Chúa đã ban cho con người đặc ân được cộng tác vào công nghiệp của Đức Kitô để cứu độ mình và cứu độ anh chị em mình, dẫu mình tội lỗi bất xứng.
* Lòng hiếu thảo: Người Kitô hữu chúng ta không phải là người bất hiếu vong ân như một thời bị hiểu lầm. Trái lại, chúng ta có một tháng để tỏ lòng hiếu thảo đối với những người thân thương đã qua đời. Không những thế, chúng ta còn có rất nhiều ngày khác nữa để tưởng nhớ đến họ: các ngày lễ giỗ, ngày cầu hồn, ngày Mồng hai Tết…
* Lòng biết ơn: Biết ơn các ngài vì nhờ có các ngài mà ta được hiện hữu trên đời, được thừa hưởng gia tài cao quý là niềm tin vào Thiên Chúa. Biết ơn các ngài vì nhờ các ngài mà chúng ta có được giáo xứ thân yêu này. Và lòng biết ơn đó cũng là lẽ thường của đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
* Lòng bác ái: Bác ái Kitô giáo không chỉ được thể hiện đối với những người còn sống mà cả đối với những người đã qua đời. Đức bác ái thúc đẩy ta cầu nguyện và dâng những việc lành phúc đức cho tất cả các linh hồn bên kia thế giới. Lời cầu nguyện có thể rút bớt thời gian thanh luyện của các ngài nơi luyện ngục. Hãy dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh để bày tỏ tình bác ái yêu thương đối với các ngài; bởi chúng ta là anh em, là con cùng một Cha trên trời.
* Lòng thương nhớ: Chúng ta trực tiếp tỏ lòng thương nhớ người quá cố, nhất là đối với cha mẹ, anh chị em thân thương…;đồng thời, ao ước cho họ được yên nghỉ muôn đời trong nơi mát mẻ hạnh phúc, đó cũng là tâm lý thông thường của mỗi người.
Quả thực, đời người chóng qua “tựa đoá hoa mới nở đã tàn, con người qua mau, khác nào bóng câu qua cửa sổ” (G 14,2). Nhờ đó, giúp chúng ta biết tìm sống cho những thực tại thiêng liêng mà Chúa đã và đang mời gọi mỗi người.
Đừng chỉ chạy theo những danh lợi của đời này mà quên đi việc chăm lo cho sự sống của linh hồn mình thật đáng quý và đáng thương biết bao.
Tóm lại, khi dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất là cách thế để chúng ta tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời, vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công và vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn, lòng thảo hiếu và lòng bác ái đối với các ngài. Ngoài ra, còn giúp ta sống ý thức hơn về thân phận chóng qua của kiếp người để biết ra công tìm kiếm chân lý của Chúa. Qua đó, chúng ta có thể thấy được rằng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời không chỉ là lễ của người chết, chỉ tưởng nhớ người đã khuất, mà còn là lễ của người sống, những người đang trên đường bước vào ánh sáng vinh quang của Chúa.
Các linh hồn ở trong luyện ngục là ở trong tình trạng vui trong niềm hy vọng. Vui vì họ biết mình vẫn còn trong tình trạng ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhất là họ biết rằng họ sẽ được đảm bảo sự sống thiên đàng bên Chúa và các thánh của Người. Một niềm hy vọng rất thực tế và họ biết chắc là sẽ đạt được. Đây coi như là một giai đoạn chuẩn bị sau cùng để họ được vào cõi sống đời đời. Thử hỏi bạn rằng, khi bạn biết chắc chắn ngày mai bạn sẽ trúng số, tâm trạng của bạn sẽ như thế nào? Câu trả lời nằm trong tim của bạn. Có phải bạn sẽ rất vui không?!? Mà ở đây chắc chắn họ sẽ còn vui hơn trúng số nữa vì được hưởng cả một gia tài của sự sống bất diệt bên Đấng họ hằng khát khao và mong mỏi, mà điều cao quý nhất đó là chiếm hữu được chính Chúa – là Nguồn sống thật.
Chính vì thế, dù có phải trãi qua lửa luyện tội đau đớn họ vẫn không hề bi quan nhưng luôn tràn đầy niềm lạc quan và hy vọng.
Sở dĩ chúng ta cần cầu nguyện cho họ là vì các linh hồn mất khả năng tự lập công cho mình nhưng chỉ nhờ công đức của chúng ta cầu thay nguyện giúp cho các ngài. Vả lại, việc cầu nguyện cho các ngài cũng là bổn phận của mỗi người chúng ta – những người đang sống. Vì chúng ta cùng sống trong mầu nhiệm các thánh thông công. Chúng ta là các chi thể của nhau trong cùng nột “thân thể duy nhất”, nên chúng ta không thể nào làm ngơ giả điếc khi có một chi thể bị đau đớn.
Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức được điều đó để chúng ta sống tốt bổn phận của mình với những người đã qua đời. Amen!
“Sau khi điền thông tin và click nhận trọn bộ tài liệu ngay” bộ phận chăm sóc khách hàng của Hoài Ân Viên sẽ liên hệ với bạn.