Menu

TOP 15 CÂU CHUYỆN NHÀ ĐẠO ĐÁNG SUY NGẪM

 

1. Chúa Giêsu là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành

Chúa Giêsu nói rõ về ngài: "Ta là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành." Các tông đồ xua đuổi các em bé, nhưng Chúa Giêsu tốt lành dạy để các em đến với Ngài. Các tông đồ muốn trừng phạt, nhưng Chúa Giêsu tốt lành trách họ: "Con Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống". Khi thấy các tông đồ tức nhau, cãi nhau, tranh giành nhau rộn ràng, Chúa Giêsu quở trách và sửa dạy họ ngay. Chúa Giêsu ngồi trên lưng con lừa và đi chậm rãi vào thành Giêrusalem một cách hiền từ, mặc dân chúng hoan hô nồng nhiệt. Trong hồi Thương Khó, bị sỉ vả nhục nhã ê chề, bị đánh đập hành hạ tàn nhẫn, Chúa Giêsu vẫn im lặng tha thứ. Trước khi tắt thở trên thập giá, muốn cho những kẻ đối xử độc ác với mình cũng được ơn lành, Chúa Giêsu lớn tiếng cầu xin Chúa Cha tha tội cho họ.

2. Tên trộm và Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá...

Câu chuyện nhà đạo đáng suy ngẫm

Trong một đền thờ ở tỉnh Bayern, Đức, có một Thánh Giá rất lạ: đôi tay Chúa Giêsu không bị đóng đinh giăng ra nhưng lại xoè ra như ôm lấy một vật gì. Tại sao thế? Số là, theo như lời truyền kể lại, một đêm âm u tối tăm kia, trong khi nhà thờ chỉ có một chút ánh sáng leo lét của cây đèn Nhà Tạm, trong khi mọi cửa nhà thờ đã đóng hết và ông từ đã về nhà nghỉ, thì có một tên trộm đào ngạch, chui vào nhà thờ. Nó chăm nhìn lên Chúa Giêsu bị treo trên Cây Thánh Giá, không phải vì nó tỏ lòng ăn năn đau đớn tội lỗi nó đã phạm làm mất lòng Chúa, nhưng vì nó thấy trên đầu Chúa Giêsu, người ta có đặt một mũ triều thiên bằng vàng chạm ngọc. - "Ta sẽ lấy chiêc mũ triều thiên nầy. Ta sẽ giàu có, sung sướng." Nó nghĩ bụng như vậy. Tên trộm trèo lên bàn thờ, với tay định lấy chiếc mũ triều thiên quý giá trên đầu Chúa Giêsu thì bỗng hãi hùng làm sao, hai bàn tay của Chúa Giêsu cũng rời khỏi hai lỗ đinh thâu và ôm choàng lấy tên trộm. Bị Chúa ôm thình lình, tên trộm không kịp phản ứng, mặc dù rất mạnh, nó vẫn không thể nào vùng vẫy. Chúa ôm nó rất cứng. Tên trộm nhìn vào cặp mắt của Chúa. Chúa cũng nhìn nó lại. Ba giờ trôi qua! Ba giờ, Chúa Giêsu và tên trộm nói chuyện thì thào với nhau trên Cây Thánh Giá. Sau cùng, tên trộm khóc. Nó đau buồn vì đã phạm tội làm mất lòng Chúa. Nó xin xưng tội với Chúa. Nó hứa chừa tội và sửa mình lại. Xưng tội xong, nó ôm chặt lấy Chúa để tỏ lòng ăn năn đau đớn. Lúc đó, Chúa Giêsu lại càng ôm chặt nó hơn nữa...

3. Vì sao con người không được hạnh phúc trên trần gian này?

Thánh Phanxicô Khó Khăn cùng với thầy Juniper đi dạo trong rừng. Thầy Juniper cao hứng nói to: - "Hạnh phúc thay chim bay trong không khí, súc vật ăn trên đồng cỏ, cá lội trong suối nước! Vậy mà, này thầy Phanxicô, sao con người lại không đựợc hạnh phúc như vậy nhỉ?" Thánh nhân trả lời: - "Vì chim, súc vật và cá thì được dựng nên cho cõi đời nầy, đó là lý do tại sao chúng sung sướng. Còn con người thì không được dựng nên cho cõi đời này, vì thế, con người không thể nào chỉ được hạnh phúc ở trên đời này."

4. Cử chỉ của chú chẳng khác chi cử chỉ của cái thằng vô ơn độc ác kia không?

Người kia chê bai bạn mình vì bạn mình giữ ngày Chúa Nhật. Người bạn nầy liền trả lời: - "Nếu tôi có 7 đồng, tôi ra đường gặp một người ăn mày xin tôi, tôi cho anh ta sáu đồng, chú nghĩ sao?" - "Anh thật đại độ đáng khen, và người ăn mày kia chắc phải cám ơn anh lắm." - "Đúng! Nhưng nó lại vật cổ tôi xuống, móc lấy thêm một đồng nữa, thì anh nghĩ sao?" - "Cái thằng khốn nạn! Nó đáng chết!" Người bạn liền cắt nghĩa: - "Này nhé, đó là câu truyện của ngày Chúa Nhật: Chúa cho chú sáu ngày làm việc, Chúa chỉ giữ lại cho Ngài một ngày Chúa Nhật. Thế mà chú không biết ơn Chúa, không biết tôn trọng ý của Chúa, cướp ngay cả ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa. Cử chỉ của chú có khác chi cử chỉ của cái thằng vô ơn độc ác kia không?"

5. Một tờ trối làm bỡ ngỡ

Một thanh niên kia không ân cần săn sóc cha mẹ mình vì thấy cha mẹ mình nghèo. Trái lại, anh ta ân cần lui tới săn sóc ông cậu vì thấy ông cậu này giàu. Khi ông cậu qua đời, người thanh niên này vui mừng vì tin chắc thế nào cũng được ông cậu trối cho một phần gia tài. Khi đọc tờ trối, người thanh niên này liền hỡi ôi! Trong tờ trối có nói rằng: - "Cậu trối cho cháu ba trăm đồng để mua một cuốn giáo lý mà học biết bổn phận phải sống hiếu thảo với cha mẹ mình."

6. Đức tin của con quý hơn mạng sống của con nhiều!

Kỳ Giáo Hội Mễ Tây Cơ bị bách hại trong thế kỷ thứ 20 vừa rồi, người ta thấy quân nghịch đạo cột sau xe ô tô một thanh niên Công Giáo. Chàng này chỉ có một tội: không chịu bỏ Đạo, không chịu từ chối đức tin của mình. Xe ô tô lăn bánh mạnh và nhanh trên con đường gồ ghề. Chàng thanh niên Công giáo này cắn răng lại. Thịt chàng nát bầm. Máu tuôn ra lai láng. Bùn và đất lấp phủ cả mặt mũi. Bỗng tiếng phanh rít lên và xe ô tô dừng phắt lại trước một cửa nhà. Quân nghịch đạo nhảy xuống xe, lấy gươm dí vào đầu chàng thanh niên này và la lên một cách tức tối: - "Mày hãy nói đí: đả đảo Giêsu Kitô! Nếu không, mày sẽ chết!" Nghe tiếng rộn ràng trước cửa nhà của mình, một người đàn bà vội chạy ra. Bà như điên lên khi thấy con trai yêu quý của mình phải bị hành hạ quá sức dã man. Nhưng để bảo vệ đức tin của con mình, bà mẹ anh hùng này liền liều mình xông vào giữa đám lính, đến quỳ bên cạnh con đang hấp hối. Bà vừa khóc, vừa ôm đầu con, vừa nói rõ từng tiếng bên tai con: - "Con ơi, con đừng bỏ Chúa nhé! Con đừng bỏ đức tin của con nhé! Đức tin của con quý hơn mạng sống của con nhiều!" Người con liền gật đầu và chết trong tay mẹ mình, trước mặt đám quân lính độc ác, nghịch đạo, đang ngơ ngác, không hiểu vì sao hai mẹ con này lại anh dũng đến thế!

7. Người tội lỗi nhất!

Trong cơn hấp hối, thánh Đa Minh, đấng sáng lập Dòng Đa Minh, nói với các thầy: "Cha không hiểu tại sao Chúa không giáng lửa xuống thiêu đốt làng mạc này vì nó đang chứa một người tội lỗi nhất trong thiên hạ?" Các thầy ngơ ngác nhìn nhau. Một thầy cúi xuống sát tai thánh Đa Minh, hỏi: "Lạy Cha thánh, xin cha cho chúng con biết người tội lỗi ấy là ai để chúng con tìm cách đưa họ về đàng lành." Thánh Đa Minh bình thản trả lời, từng tiếng rõ: "Người tội lỗi ấy, chính là cha." Các thầy lại càng ngẩn ngơ, không hiểu được ý của Đấng sáng lập dòng mình. Thánh Đa Minh liền giải thích : "Nếu có một người nào tội lỗi nhất trong thiên hạ, mà được ơn Chúa dồi dào như cha xưa nay, thì người đó sẽ nên thánh bằng mấy ngàn lần cha đây!"

8. Người công giáo phải luôn vui vẻ

Nhà nghịch đạo Nietzsche chê trách người tín hữu là kẻ buồn rầu, chán nản: "Người có đạo hãy hát cho tôi nghe những bài ca hay hơn để tôi tin vào Đấng Cứu Thế của họ. Đồ đệ của Đấng Kitô phải có một thái độ cứu rỗi hơn." Vì sao nhà nghịch đạo này và nhiều người khác đã chê trách như vậy? Có lẽ họ thường thấy nhiều người đạo đức xem ra buồn rầu, ít vui tười mỉm cười, dễ buông lời gắt gỏng, cử chỉ đôi khi sỗ sàng và thiếu nhã nhặn. Nhưng những ai sống thật theo tinh thần Phúc Âm, thì không thể nào quên được lời Thánh Phaolô dạy các tín hữu ở thành Philipphê: "Các con hãy luôn vui mừng trong Chúa. Cha nhắc lại : Các con hãy vui mừng." Đạo công giáo là đạo vui vẻ. Những tiếng hát vui mừng Alleluia và Magnificat luôn vang lên nơi cửa miệng người tín hữu. Đối với người tín hữu, sự vui vẻ là điều ngợi khen Chúa. Phụng vụ Chúa trong Giáo Hội chứa đầy sự vui vẻ vì Giáo Hội biết Chúa đã sống lại, biết nhân loại đã được cứu, biết Thiên đàng là nơi Chúa sẽ ban cho chúng ta. Vì thế, dù thế giới điên đảo đến đâu mặc lòng, Giáo Hội vẫn luôn bình tĩnh cầu nguyện, luôn ca hát trong tình yêu của Chúa và trong niềm hy vọng được Chúa luôn giúp đỡ.

9. Điều tai hại nhất cho ta

Ngày kia, có một người trèo lên được một ngọn núi thật cao. Ông ta kiêu hãnh, đứng thẳng người lên để tỏ ra mình đang ở một nơi cao nhất, không ai sánh được. Nhưng than ôi! Ông không chịu nổi sức đẩy của một làn gió mạnh nên đã văng xuống hố sâu. Đó là hình ảnh loài người khốn nạn của chúng ta. Chúng ta không có cái gì để khoe khoang. Và khi muốn khoe khoang thì chúng ta liền bị đánh bật ngã xuống ngay. Chúng ta khoe mình sống thánh, nhưng sự thánh thiện ở trên đỉnh núi cao, đôi cánh chúng ta nhỏ quá, không làm sao bay lên được. Chúng ta khoe mình dốc quyết mạnh mẽ, nhưng những gì chúng ta dốc quyết, chúng ta thường không thể giữ được. Chúng ta khoe mình có những lời hứa tốt đẹp, nhưng khi vừa bị cám dỗ, chúng ta liền để cho các lời hứa ấy biến tan ngay.

10. "Khi nào bị treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với tôi."

Đức Giêsu chết trên thập giá. Trên đầu, có tấm bảng đề "Giêsu Nadarét, Vua Dân Do Thái" bằng ba ngôn ngữ: Hy Bá, Hy Lạp và La Tinh. Đức Giám mục Bossuet suy niệm như sau: "Vương quyền của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được phổ biến bằng tiếng Hy Bá là tiếng của Dân Chúa, bằng tiếng Hy lạp là tiếng của các nhà bác học, các triết gia, các bậc khôn ngoan; bằng tiếng La Tinh là tiếng của đế quốc thế giới, tiếng của các nhà chinh phục và của các nhà chính trị. Vậy, ớ những người Do Thái, những người được thừa hưởng những lời Chúa hứa, cũng như những người Hy Lạp, phát minh ra các nghệ thuật, cũng như các người Roma, những kẻ làm chủ thế giới, hãy đến gần đây. Hãy đến và đọc tấm bảng lạ lùng nầy. Các người hãy quỳ gối xuống để thờ lạy Vua trên hết các vua! " Thật như lời Chúa Giêsu đã nói tiên tri:"Khi nào bị treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người đến với Tôi."

11. Đời hạnh phúc là do chúng ta quyết định

Chúng ta được hạnh phúc hay là chúng ta bất hạnh, điều nầy không do Thiên Chúa định đặt, nhưng do chúng ta quyết định: chính chúng ta quyết định chúng ta có hạnh phúc hay là chúng ta bất hạnh. Một người kia sống rất hạnh phúc. Được hỏi, ông nói: - "Thật quá đơn giản! Mỗi sáng mở mắt ra, tôi có hai lựa chọn trong ngày sống hôm đó: một là tôi sống vui vẻ hạnh phúc, hai là tôi sống buồn phiền, bất hạnh. Tôi xin Chúa cho tôi chọn điều thứ nhất. Và tin tưởng vào Chúa thương tôi, ban ơn giúp sức cho tôi, tôi chọn điều thứ nhất, và tôi quyết sống theo điều nầy trong ngày sống hôm đó của tôi."

12. "Đây là vấn đề lương tâm của tôi."


Câu chuyện nhà đạo đáng suy ngẫm

Nhà thi sĩ và trí thức người Pháp, François Coppée, cộng tác cho tờ báo Journal de Paris. Mỗi bài của ông đăng, được trả rất bội hậu lúc đó (cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19). Khi thấy tờ báo này cho đăng những bài nghịch đạo và chống đạo Công giáo, ông xin ông giám đốc tờ báo cho ông ngưng cộng tác. Ông giám đốc tưởng là vấn đề tiền bạc, liền nói: - "Tôi sẽ trả cho ông 25 ngàn quan tiền Pháp mỗi năm." François mĩm cười và trả lời: - "Thưa ông, đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu. Tôi biết ông luôn luôn tốt lành, tế nhị và hào phóng đối với tôi. Nhưng đây là vấn đề lương tâm của tôi."

13. Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ

Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ. Khi yêu thương, thông cảm và giúp đỡ người nghèo, chúng ta thấy đời mình có ý nghĩa, chúng ta nếm được sự vui vẻ thanh cao, chúng ta hưởng được sự bình an quý giá. Mẹ Têrêsa, người đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1979, đưa ra nhận xét đầy kinh nghiệm sau đây: "Người nghèo không cần chúng ta thương hại, họ cần tình yêu và thông cảm. Họ cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ. Trong thời gian khó khăn của Ấn Độ, chúng tôi yêu cầu một số người tình nguyện từ khắp nơi đến giúp. Nhiều ngàn người đã đến và khi họ ra về, nhận xét chung của họ là họ đã đem về nhiều hơn là đem cho. Có một lần ờ Calcutta, chúng tôi nhặt được 5 người đang chết, trong đó, có một người phụ nữ bệnh quá nặng. Tôi muốn ngồi với bà trong giờ phút cuối cùng. Tôi đặt tay tôi lên tay của bà. Bệnh nhân tỉnh ra, nhìn tôi, không than đói, không than khát, chỉ miệng cười và nói 'cám ơn' trước khi nhắm mắt lại từ giã cuộc đời."

14. Ba kinh Kính Mừng Thánh Anphôngsô Ligôri giải tội cho một thanh niên.

Thanh niên này cứ sa đi ngã lại mãi trong tội dâm ô nặng, đến nỗi ngài thấy không thể nào ban phép giải tội cho anh ta được. Trước khi anh ta ra khỏi toà giải tội, ngài chỉ khuyên anh ta mỗi ngày đọc Ba Kinh Kính Mừng để dâng linh hồn và xác cho Đức Mẹ. Một thời gian sau, một thanh niên đến xin xưng tội với ngài. Anh ta chỉ xưng một vài tội nhẹ thôi. Khi xưng xong, anh ta nói: - "Cha có nhận ra con không? Con chính là người thanh niên mà cha đã từ chối, không ban phép giải tội trước đây. Sáng nào, con cũng đọc Ba Kinh Kính Mừng. Chúa đã giải thoát con khỏi những cơn cám dỗ. Con xin cha cứ nói ra chuyện này cho mọi người nghe."

15. Chúa Giêsu sống đức vâng lời một cách đặc biệt.


Câu chuyện nhà đạo đáng suy ngẫm

Chúa Giêsu vâng lời trước khi xuống trần gian: "Của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội không còn đẹp lòng Cha nữa. Vì thế, con xin đến để làm theo thánh ý Cha." Sau này, khi ra giảng đạo, Chúa Giêsu nói rõ điểm này: "Tôi từ trời xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi." Khi còn sống trong gia đình, Chúa Giêsu hết dạ vâng lời Đức Mẹ và thánh Giuse như Phúc Âm thánh Luca ghi lại: "Đoạn cậu theo cha mẹ trở về Nadarét. Cậu vâng phục cha mẹ." Khi ra giảng đạo, Chúa Giêsu luôn nổi bật trong sự vâng lời Đức Chúa Cha. Ngài nói Ngài không bao giờ làm theo ý riêng của mình: "Tôi không bao giờ làm theo ý riêng của tôi, nhưng tôi làm theo ý Đấng đã sai tôi." Sợ Thầy mệt, các môn đệ giục Chúa Giêsu ăn nhưng Ngài nói đã ăn rồi: "Lương thực Thầy dùng, là thi hành ý Đấng sai Thầy và làm xong công việc Ngài giao." Chúa Giêsu rất hãnh diện vì đã vâng lời Cha Ngài một cách hoàn toàn: "Lạy Cha, con đã tôn vinh Cha dưới thế, con đã hoàn thành công việc Cha dạy con phải làm." Chúa Giêsu quyết vâng lời cho đến tận cùng dẫu khi cảm thấy rất đau khổ và trong tình huống quá buồn tủi: "Giờ đây, linh hồn Thầy xao xuyến. Nhưng biết nói làm sao? Phải chăng là: "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng chính giờ này mà con đã đến." - "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cha cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi." Và Chúa Giêsu đã phải cầu nguyện như thế đến ba lần. Thánh Phaolô đã nói về việc Chúa Giêsu vâng lời một cách lạ lùng, và vâng lời như vậy cho đến chết: - "Ngài hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá." Và cũng chính thánh Phaolô làm nổi bật một cách đặc biệt đức vâng lời lạ lùng của Chúa Giêsu trong hồi Thương Khó và Tử Nạn: "Vào những ngày còn trong thân xác, Ngài đã dâng lên cho Đấng có thể cứu Ngài khỏi chết những lời cầu xin khẩn nguyện với lớn tiếng kêu van cùng nước mắt, và Ngài đã được nhậm lời thoát khỏi sợ hãi. Dầu là Con của Thiên Chúa, Ngài đã phải đau khổ dãi dầu mà học cho biết vâng phục."

Nguồn: Sưu tầm giaophanvinhlong

_Hoài Ân Viên chia sẻ_

Bài viết liên quan

Nhận tài liệu và xin báo giá

“Sau khi điền thông tin và click nhận trọn bộ tài liệu ngay” bộ phận chăm sóc khách hàng của Hoài Ân Viên sẽ liên hệ với bạn.

Email
NHẬP EMAIL
Để đăng ký nhận tin
HOTLINE: 0909 12 13 82