Menu

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28/06

 

NGUỒN GỐC

Gia đình là hạt nhân của xã hội, ảnh hưởng và chi phối toàn bộ xã hội bởi nó là nơi hình thành và phát triển nhân cách, hành vi của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân có tốt thì xã hội mới tốt lên được. Chính tâm niệm này mà gia đình luôn được đánh giá là thứ trân quý và nắm giữ linh hồn của toàn bộ xã hội. Vào những năm trước 2000, nhiều trẻ em vẫn còn nằm trong tình trạng đói nghèo, suy dinh dưỡng, thất học, bỏ học hoặc tình trạng trẻ em lang thang, bạo lực vẫn tăng đều theo cấp số. Thậm chí những tệ nạn xoay quanh trẻ em trở thành điểm nóng một thời như buôn bán trẻ em, lừa gạt, mại dâm trẻ em.

Vì vậy mà theo lời Bác ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ý NGHĨA  

  • Những giá trị lịch sử truyền thống như lòng yêu nước, yêu quê hương đất nước, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, lòng trung thành, đạo hiếu, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách … đã được gìn giữ bởi các gia đình Việt Nam trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước.

  • Trải qua hàng nghìn năm lịch sử phát triển cho đến ngày nay, những chuẩn mực giá trị gia đình tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc vẫn luôn được gìn giữ và phát triển cho thế hệ con cháu ngày nay noi theo.

  • Ngày Gia đình Việt Nam là sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng các em hướng tới tương lai. đến sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế.

  • Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cấu trúc và các mối quan hệ nhiều lần thay đổi nhưng chức năng cơ bản của mỗi gia đình vẫn tồn tại và luôn là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển của kinh tế xã hội của đất nước.

  • Gia đình không chỉ là mối quan tâm của các nhà xã hội học mà còn là mối quan tâm của cả một thiết chế xã hội, được thể hiện qua nhận thức và hành động của Nhà nước. Vì vậy, ngày nay gia đình không còn là vấn đề riêng lẻ mà đã trở thành vấn đề chung của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế.

  • Ngày Gia đình Việt Nam không chỉ là dịp để tôn vinh các gia đình Việt Nam, mà còn là dịp để mỗi thành viên hiểu và trân trọng hơn những hạnh phúc đang có.

  • Đây cũng là ngày để mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ em và hoàn cảnh không cha không mẹ, các cặp vợ chồng phải hiểu giá trị của một mái ấm, cùng nhau vượt qua sóng gió để có cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

Làm thế nào để tôn vinh và phát huy ý nghĩa tốt đẹp của ngày gia đình Việt Nam

Nâng cao nhận thức xã hội

  • Nâng cao nhận thức về vai trò hết sức quan trọng của gia đình đối với sự phát triển chung của toàn xã hội. Gia đình ổn định thì cộng đồng, xã hội mới ổn định và phát triển.

Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước

  • Tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về gia đình; tích cực triển khai các chương trình phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương về công tác gia đình; xác định các mục tiêu ưu tiên cho từng năm phù hợp với lộ trình phát triển.

Tuyên truyền phổ biến

  • Tăng cường thông tin, truyền thông về các giá trị của gia đình và tầm quan trọng của gia đình trong đời sống xã hội; chú trọng biểu dương những tấm gương tốt, phê phán những hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, giá trị gia đình.

Đẩy mạnh phong trào

  • Đẩy mạnh các hoạt động Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa; tập trung nghiên cứu những thay đổi của gia đình Việt Nam hiện đại, từ đó đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp, hiệu quả.

Một số hoạt động trong ngày gia đình Việt Nam 28/6

Đối với các gia đình, trong dịp ngày gia đình Việt Nam 28/6 này, mỗi người con nên về quê, tổ chức sum họp gia đình, để ôn lại truyền thống gia đình. Trong bối cảnh dịch bệnh không thể đoàn tụ, các thành viên trong gia đình hãy gọi nhau, chăm sóc nhau để thắt chặt thêm tình cảm.

Trong ngày đặc biệt này, hãy dành chút thời gian cho tổ ấm của mình để cùng nhau có những giây phút ý nghĩa nhất:

  • Cùng nhau đi du lịch, picnic.

  • Quây quần bên bữa cơm gia đình.

  • Cùng nhau đi xem phim.

  • Về quê đoàn tụ với ông bà.

  • Tặng nhau những món quà bất ngờ.

  • Giúp bố mẹ làm việc nhà.

 XEM THÊM: 3 CÂU CHUYỆN XÚC ĐỘNG VỀ GIA ĐÌNH BẠN NÊN ĐỌC 1 LẦN TRONG ĐỜI 

Bài viết liên quan

Nhận tài liệu và xin báo giá

“Sau khi điền thông tin và click nhận trọn bộ tài liệu ngay” bộ phận chăm sóc khách hàng của Hoài Ân Viên sẽ liên hệ với bạn.

Email
NHẬP EMAIL
Để đăng ký nhận tin
HOTLINE: 0909 12 13 82